Chiều ngày 11/10/2016, Trung tâm Công tác xã hội thành phố Hải Phòng phối hợp với Tổ chức Trao quyền cho mọi người Nhật Bản (gọi tắt là Tổ chức EFA-Japan) tổ chức Hội thảo về tham vấn can thiệp – hỗ trợ trẻ em rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý, rối loạn phổ tự kỷ.
Đến dự chỉ đạo và điều hành hội thảo có ông Đỗ Văn Bình, Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng.
Tham dự Hội thảo có Thạc sĩ công tác xã hội Nguyễn Thuận Hải, Trưởng phòng Tư vấn, Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ông Sakigawwa Mashashi, Giám đốc Tổ chức EFA – Japan tại Việt Nam; bà Hoàng Thị Hải Phượng, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và 72 đại biểu là đại diện lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Lao động, Thương binh và Xã hội: quận Hồng Bàng, Lê Chân, Hải An, Dương Kinh, huyện An Dương; Trưởng phòng Y tế quận Ngô Quyền; Đại diện Ban Giám hiệu các trường Mầm non, Mẫu giáo của các quận Hồng Bàng, Lê Chân; Trường Tiểu học Trần Quốc Toản quận Ngô Quyền; Trường Mầm non An Đồng 1 huyện An Dương; Lãnh đạo UBND phường – Trưởng ban Chỉ đạo mô hình trẻ em khuyết tật phường Đồng Quốc Bình; mô hình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phường Đông Khê quận Ngô Quyền, phường Nghĩa Xá quận Lê Chân; Cán bộ phụ trách lĩnh vực công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc các phòng Lao động Thương binh và xã hội các quận: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Dương Kinh, huyện An Dương và và cán bộ phụ trách các mô hình.
Các bài tham luận, ý kiến phát biểu tại hội thảo hôm nay đã tập trung phân tích, làm rõ một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc can thiệp hỗ trợ trẻ em rối nhiễu tâm trí, rối loạn phổ tự kỷ; nhận diện thực trạng về hoạt động của các cơ sở trị liệu, phục hồi trẻ em rối loạn phổ tự tỷ trong nội thành Hải Phòng; đánh giá nhu cầu can thiệp hỗ trợ trẻ em hoà nhập cộng đồng; chia sẻ khó khăn, khuyến nghị của gia đình, trường mầm non, địa phương có trẻ em rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý, rối loại phổ tự kỷ; những bài học kinh nghiệm của mô hình “Can thiệp sớm cho trẻ em rối loạn phát triển dựa vào cộng đồng của quận Ngô Quyền”, “Mô hình giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật trong Trường Tiểu học Trần Quốc Toản”. Đồng thời, hội thảo đóng góp ý kiến với phương án can thiệp – hỗ trợ của Trung tâm Công tác xã hội trong thời gian tới. Hội thảo khuyến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các Trung tâm, văn phòng, cơ sở tự phát nuôi dưỡng tập trung, giáo dục, trị liệu trẻ em rối nhiễu tâm trí, rối loạn phổ tự kỷ; ban hành văn bản cụ thể hóa việc đánh giá, xác định dạng tật và mức độ khuyết tật đối với trẻ em rối loạn phổ tự kỷ để các địa phương trong toàn thành phố thống nhất thực hiện.
Hội thảo đề xuất các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cùng chung tay góp sức xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em thành phố Hải Phòng ngày càng được phát triển toàn diện.