Trang chủTin nổi bậtTầm quan trọng của nghề Công tác xã hội trong xã hội...

Tầm quan trọng của nghề Công tác xã hội trong xã hội hiện nay

Nếu xã hội như một “cơ thể sống” thì trong nó luôn luôn tồn tại những hiện tượng “bệnh lý” hoặc “khuyệt tật” kéo lùi sự phát triển của xã hội như: nghèo đói, tệ nạn ma túy, đại dịch HIV/AIDS, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, trẻ em bị sao nhãng và xâm hại tình dục, người già cô đơn, thực thi chính sách còn nhiều bất cập, tỷ lệ đối tượng được hưởng chính sách còn thấp… Công tác xã hội (CTXH) chính là nghề đứng ra điều trị các “bệnh lý” và khắc phục những “khuyết tật” của xã hội nêu trên.

Hiện nay, có rất nhiều quan niệm khác nhau về nghề CTXH, song có thể hiểu theo định nghĩa của Hiệp hội Nhân viên CTXH Quốc tế thông qua tháng 7 năm 2000 tại Montréal, Canada (IFSW) như sau: “Nghề CTXH thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, CTXH tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ. Nhân quyền và Công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề”.
Những người làm nghề CTXH được gọi là nhân viên CTXH. Bằng các phương pháp, kỹ năng nghề nghiệp; nhân viên CTXH có thể can thiệp vào đời sống của cá nhân, gia đình, các nhóm xã hội và cộng đồng để nắm bắt được nhu cầu, những khó khăn về vật chất, tinh thần trong cuộc sống từ đó tìm phương cách giúp đỡ họ nâng cao kỹ năng và khả năng ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống, cụ thể:
– Với người già cô đơn: Nhân viên CTXH đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của người già cô đơn để mang lại cho họ những hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội và các dịch vụ chăm sóc (nếu sẵn có sẵn dịch vụ). Đồng thời, họ cũng đóng vai trò là cán bộ quản lý, chăm sóc, điều phối dịch vụ cho người già cô đơn, giám sát những thay đổi trong nhu cầu của họ để tìm kiếm dịch vụ thích hợp.
– Với người khuyết tật: Nhân viên CTXH đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của người tàn tật. Đồng thời, họ cũng đóng vai trò là người quản lý trường hợp, hỗ trợ người tàn tật tiếp cận những dịch vụ phù hợp và duy trì tiếp cận một loạt các dịch vụ phối hợp tốt nhất. Trong trường hợp cần thiết, nhân viên CTXH cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho người khuyết tật và gia đình của họ.
– Với gia đình có vấn đề: Nhân viên CTXH giúp đỡ các gia đình đánh giá các mối quan hệ không phù hợp và nâng cao khả năng để giải quyết các vấn đề của gia đình. Trong tình huống phải can thiệp về bạo lực gia đình, nhân viên CTXH xác định mục tiêu để từng thành viên của gia đình, và toàn thể gia đình có thể sống cùng nhau một cách an toàn, hòa thuận, giải quyết các bất hòa và xử lý các vấn đề của gia đình.
– Với các tệ nạn xã hội: Nhân viên CTXH cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trong các trung tâm cai nghiện, trung tâm phục hồi nhân phẩm cho người nghiện ma túy, gái mại dâm, người bị nhiễm HIV/AIDS và những người vi phạm pháp luật…, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
– Với cộng đồng có vấn đề, khó khăn: Nhân viên CTXH giúp khu phố, cụm dân cư nhận diện các vấn đề khó khăn trong cộng đồng và hỗ trợ họ tìm những nguồn lực cần thiết để giải quyết vấn đề khó khăn của khu phố, cụm dân cư của mình. Nhân viên CTXH cũng có thể giúp đỡ cộng đồng bày tỏ ý kiến về các vấn đề phát triển và truyền tải những vấn đề này đến các cấp chính quyền và những nhà hoạch định chính sách có liên quan.
– Trong trường học: Hiện nay, có nhiều vấn đề trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh, sinh viên như mâu thuẫn gia đình, bạo lực học đường… Nhân viên CTXH sẽ tiến hành giáo dục và tham vấn cho học sinh, sinh viên giúp họ vượt qua những khó khăn trong học tập. Nhân viên CTXH có thể phối hợp với giáo viên để tham vấn cho giáo viên xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho những học sinh, sinh viên có vấn đề, giải quyết các bất hòa giữa các nhóm học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, nhân viên CTXH được quyền cung cấp cho trẻ vị thành niên sự hỗ trợ về tâm lý xã hội, về pháp luật trước tòa án, cho dù trẻ là nhân chứng, nạn nhân hay bị cáo. Họ có thể đi cùng với trẻ em hoặc người chưa thành niên thay cho cha mẹ và người giám hộ.
– Trong lĩnh vực sức khỏe: Tại các bệnh viện và phòng khám, nhân viên CTXH hỗ trợ về mặt tâm lý – xã hội cho các bệnh nhân và gia đình trong việc đối mặt với các tác động của bệnh tật, bao gồm việc đánh giá các khía cạnh xã hội, đóng góp cho bác sĩ quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh; cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho quá trình hồi phục của bệnh nhân và thu xếp những dịch vụ hỗ trợ điều trị bệnh cho bệnh nhân (nếu có sẵn dịch vụ).
– Trong lĩnh vực an sinh xã hội: Nhân viên CTXH tiến hành nghiên cứu các vấn đề xã hội có tác động đến xã hội nói chung và các đối tượng khó khăn, yếu thế nói riêng; từ đó đề xuất các chính sách an sinh xã hội để giải quyết các vấn đề xã hội nêu trên. Ngoài ra, nhân viên CTXH còn đóng vai trò là người xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý các chính sách, chương trình, dự án an sinh xã hội.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã được xem là một nghề mang tính chuyên nghiệp với sự tham gia đông đảo của đội ngũ nhân viên CTXH được đào tạo ở các trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân từ hơn 100 năm nay. Ở Việt Nam, CTXH mới chỉ được đưa vào đào tạo hơn 10 năm ở các trường đại học, cao đẳng và nghề CTXH cũng chỉ mới được công nhận gần 8 năm nay. Tuy nhiên, trước những biến đổi hết sức to lớn của quá trình toàn cầu hóa dẫn đến suy giảm kinh tế, khủng hoảng chính trị; những thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên như: dịch bệnh, động đất, sóng thần, bão lũ, nghèo đói, bạo lực, gia đình đơn thân, ly tán…. Việt Nam rất cần có nhiều nhân viên CTXH chuyên nghiệp hơn nữa để giải quyết các vấn nạn nêu trên.
Thực tiễn đã chỉ ra rằng, xã hội càng phát triển thì càng nhiều vấn đề xã hội nổi lên đòi hỏi những biện pháp khắc phục. Sự xuất hiện và phát triển của nghề CTXH là tất yếu khách quan, sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh những khuyết tật của xã hội, hướng tới xây dựng một xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

TIN PHỔ BIẾN