Trẻ em chiếm 50% trong số gần 50.000 ca bỏng mỗi năm tại Việt Nam, trong đó 1/3 là bỏng nặng. Theo số liệu thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, trung bình mỗi năm Viện điều trị cho 2.000 trường hợp bỏng (60% ca bỏng là trẻ em). Nhiều trường hợp trẻ em bị bỏng là do sự bất cẩn và vô ý của người lớn. Đã đến lúc việc phòng chống bỏng nói riêng và tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung, phải trở thành mối quan tâm của các gia đình và toàn xã hội.
Cần dạy trẻ cách phòng tránh tai nạn do bỏng khi đun nấu. Ảnh: Linh Chi
Những tai nạn thương tâm
Tai nạn bỏng xảy ra khắp nơi và rất bất ngờ. Trong số các tai nạn, thì bỏng lửa và bỏng nước sôi chiếm đa số. Cháu Trần Thành Chung (9 tuổi) ở Hà Nam, trong khi đang ngồi xem mẹ nướng mực thì bị lửa bắt vào người gây bỏng tới 60% diện tích cơ thể ở mức độ 2-3. Cháu Thanh Uyên (3 tuổi) ở thị xã Phú Thọ bị bỏng nặng do nước sôi, khi va vào người lớn đang bê nồi nước từ bếp lên. Cháu Nguyễn Ngọc Lương ở Ba Vì (Hà Nội), chạy xuống bếp chơi và bị nồi canh xương đang ninh trên bếp lật vào người làm tuột da từ mông xuống chân… Thậm chí, ở Từ Liêm (Hà Nội) có cháu bé 2 tháng tuổi đang ngủ trên giường lúc nhà mất điện, bố mẹ cháu thắp nến lấy ánh sáng và để trên bàn nhưng nến bị đổ xuống màn bốc cháy khiến bé bị bỏng nặng, trên đường đưa tới bệnh viện cấp cứu bé đã tử vong.
Ngoài bỏng lửa và nước sôi, trẻ còn bị bỏng do điện. Cháu Nguyễn Văn Quyền (15 tuổi) ở Thái Nguyên, thả diều bị mắc trên đường điện cao thế nên trèo lên gỡ đã bị bỏng rất sâu ở đầu, gáy và hai chân, có nguy cơ tổn thương đốt sống cổ. Cũng do gỡ dây diều trên cột điện, cháu Vũ Tuấn (15 tuổi) ở Sơn La đã bị bỏng đến 1/4 diện tích cơ thể, trong đó nhiều chỗ bỏng rất sâu.
Nguyên nhân và loại hình gây bỏng cho trẻ em
Trẻ em dễ bị bỏng, vì bản tính các em hiếu động tò mò hay nghịch dại, mà thiếu sự giám sát của người lớn. Tai nạn bỏng ở trẻ em cũng thường xảy ra do sự bất cẩn của người lớn khi đun nấu, sử dụng điện, hoặc các chất gây cháy. Ở những gia đình cha mẹ mải làm kinh tế ít có thời gian quan tâm đến con, hoặc sơ ý thì nguy cơ xảy ra tai nạn bỏng sẽ cao hơn. Sau đây là một số loại hình gây bỏng rất nguy hiểm cho trẻ em.
– Bỏng do nhiệt ướt: Do ngã vào nước sôi, nồi canh hoặc nồi cám lợn sôi… đây là nguyên nhân chủ yếu. Tai nạn thường xảy ra khi phích nước sôi, đồ ăn nóng để ở trong tầm với hoặc lối đi của trẻ. Bỏng còn xảy ra khi trẻ nấu ăn giúp bố mẹ, hay khi ăn uống trẻ bị bỏng thực quản và miệng do đồ ăn, uống nóng…
– Bỏng do hoá chất: Hố vôi đang tôi cũng là một hiểm họa khiến trẻ em nông thôn bị tai nạn. Bởi các cháu chơi đùa cạnh hố vôi mới tôi, bị vôi bắn vào mắt hay ngã xuống hố vôi. Bỏng do trẻ sử dụng nhầm a xít. Các loại bỏng này thường để lại cho nạn nhân những di chứng nặng nề như bị mù lòa, bị hủy hoại, phải cắt cụt chi, hay nhiễm trùng máu dẫn tới tử vong.
– Bỏng do nhiệt khô: Bàn là, ống bô xe máy, lửa, hơi nóng của lò nung… Thường do người lớn không chú ý, hoặc trẻ nướng mực, nghịch ngợm đốt lửa sưởi, đốt rơm rạ, đánh đổ dầu, xăng gây bắt lửa… dẫn tới bỏng. Trong những đợt rét, có tới hàng chục trẻ em bị bỏng bếp than và lò sưởi do cha mẹ cho các thiết bị này vào giường ngủ của các cháu.
– Bỏng do sét đánh, điện giật: Do trẻ nghịch điện, hoặc do bị sét đánh khi trú mưa. Trẻ thường bị bỏng rất nặng thoặc ngừng thở, ngừng tim và tử vong.
Bỏng hiểm họa đối với trẻ em. Ảnh: KT
Phòng tránh bỏng cho trẻ như thế nào?
Bỏng là một trong những tai nạn rất nguy hiểm với trẻ em. Không những gây đau đớn, việc chữa chạy phức tạp lâu dài tốn kém (chi phí một ca điều trị bỏng ước tính từ 15 – 20 triệu đồng), mà còn để lại hậu quả nặng nề cho trẻ vì đây là lứa tuổi đang phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Theo một bác sĩ ở Viện Bỏng quốc gia, bỏng ở trẻ em nguy hiểm hơn ở người lớn gấp nhiều lần, bởi sức đề kháng của trẻ còn kém nên gây bội nhiễm. Một vết bỏng diện tích hẹp, nếu không chữa trị đúng cách và kịp thời sẽ gây hoại tử, phải cắt cụt chi vì vết bỏng quá nặng (khoảng 30% các ca bỏng bị di chứng nặng nề sau bỏng), thậm chí trẻ bị tử vong do nhiễm trùng. Nếu vết bỏng liền, nhiều trường hợp bị sẹo co kéo, gây biến dạng cơ thể làm trẻ tàn phế và gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Trẻ nhỏ bị bỏng cũng dễ bị suy dinh dưỡng, kiệt sức và bị sốc về tâm lý (sau bỏng bệnh nhân có thể hoảng loạn) trong suốt một thời gian dài.
Để phòng tránh bỏng, Viện Bỏng quốc gia đã tổ chức triển khai Dự án Phòng tránh bỏng, nhằm nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về phòng tránh tai nạn bỏng, đồng thời nâng cao kỹ năng sơ cứu và điều trị bỏng cho cán bộ y tế cơ sở.
Các bậc cha mẹ và người lớn cũng cần hết sức thận trọng với các tác nhân có thể gây bỏng cho trẻ, đặc biệt là trong mùa hè. Cũng theo thống kê của Viện bỏng Quốc gia, mùa hè đến là số lượng bệnh nhi nhập viện tăng vọt (nếu các mùa khác mỗi ngày chỉ 3-5 trẻ, thì mùa hè là 5-7 em bị bỏng phải nhập viện điều trị). Do trẻ được nghỉ hè, bố mẹ đi làm không có người giám sát (nhất là những gia đình không có ông bà, người giúp việc), trẻ tự do đùa nghịch và sơ suất khi sử dụng bếp điện, bếp ga, phích nước sôi… và tai nạn dễ xảy ra. Nên các bậc cha mẹ cần hết sức quan tâm và để mắt đến con mình trong mọi nơi, mọi lúc.
Hơn nữa, việc dạy cho trẻ biết những kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích (trong đó có phòng tránh bỏng) là vô cùng cần thiết. Bởi vì, trẻ bị tai nạn không những đau về thể xác, hoảng loạn về tinh thần mà còn chữa trị tốn kém, lâu dài và trở thành gánh nặng cho cả gia đình (nhất là những gia đình nghèo). Muốn phòng tránh bỏng cho trẻ, chính người lớn cũng phải có ý thức trong mỗi việc làm nhỏ nhất. Ví dụ: Không cho trẻ chơi trong bếp gần chỗ nấu nướng, đi xe máy về dựng gọn gàng để ống bô quay vào bên trong, phích nước sôi để khuất tầm với, đùa nghịch của trẻ… Đồng thời, cha mẹ cần luôn để mắt tới con mình ở mọi nơi, mọi lúc.
Nguồn: giadinhvatreem.vn