Trang chủTư vấn tham vấnQuyết định phê duyệt đề án trợ giúp xã hội và phục...

Quyết định phê duyệt đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ                                              CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                       ——-                                                                                           Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                                                                                                                               —————

           Số: 1215/QĐ-TTg                                                                     Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2011

 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2011 – 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 – 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu chung

Huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 90% số người tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang thang được phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở bảo trợ xã hội;

b) 90% số người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác;

c) 100% gia đình có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được nâng cao nhận thức về trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng;

d) Hình thành các nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kết hợp với nhân viên y tế trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại xã, phường, thị trấn có đông đối tượng.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN

1. Xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần với các nội dung sau:

a) Hỗ trợ các địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng và nâng công suất các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần từ 300 lên 500 đối tượng mỗi cơ sở;

b) Đầu tư xây dựng ít nhất 3 cơ sở bảo trợ xã hội khu vực để chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần;

c) Hỗ trợ đầu tư xây mới khoảng 20 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại những tỉnh, thành phố có đông đối tượng;

d) Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần.

2. Phát triển nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng với các nội dung sau:

a) Đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần;

b) Hỗ trợ các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên;

c) Tập huấn cho gia đình đối tượng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.

3. Phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí:

a) Giai đoạn 2011 – 2015, hỗ trợ xây dựng thí điểm tối thiểu 10 mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí;

b) Giai đoạn 2016 – 2020, hỗ trợ nhân rộng mô hình tới quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có đông đối tượng để cung cấp dịch vụ trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho những người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần.

4. Truyền thông, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng; nâng cao kiến thức, kỹ năng trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

III. CÁC GIẢI PHÁP

1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

a) Sửa đổi, bổ sung chính sách trợ giúp xã hội cho người tâm thần, gồm: trợ cấp xã hội, học nghề, việc làm, trợ giúp y tế và trợ giúp xã hội khác;

b) Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý cho người rối nhiễu tâm trí và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng theo cơ chế có thu phí;

c) Ban hành quy trình phục hồi chức năng luân phiên cho người tâm thần tại các cơ sở bảo trợ xã hội;

d) Xây dựng chính sách, chế độ phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội hỗ trợ gia đình, cộng đồng, cơ sở bảo trợ xã hội làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần.

2. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần; điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

3. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổng kinh phí dự kiến của Đề án là 8.382 tỷ đồng, bao gồm:

a) Ngân sách Nhà nước:

– Ngân sách Trung ương khoảng 2.440 tỷ đồng:

+ Ngân sách Trung ương bố trí trong dự toán của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khoảng 1.050 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 300 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 750 tỷ đồng;

+ Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các tỉnh, thành phố khoảng 1.390 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 390 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 1.000 tỷ đồng;

– Ngân sách địa phương khoảng 900 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 300 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 600 tỷ đồng.

b) Các nguồn viện trợ quốc tế (ước tính): 42 tỷ đồng.

c) Đóng góp của gia đình và cá nhân đối tượng khoảng 5.000 tỷ đồng.

2. Việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí của Đề án thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Điều 2. Phân công trách nhiệm các Bộ, ngành

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: xây dựng kế hoạch triển khai Đề án; tổng hợp kinh phí đề nghị hỗ trợ của các tỉnh, thành phố gửi Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền quyết định; triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức; khảo sát, đánh giá và thu thập thông tin về người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần; xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật để trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần; phát triển các cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; phát triển các cơ sở bảo trợ xã hội khu vực để chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng; sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm lồng ghép nghiên cứu, hướng dẫn nghiệp vụ y tế trong điều trị và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng và trong các cơ sở bảo trợ xã hội; nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể triển khai lồng ghép các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, học viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; triển khai các chương trình phòng ngừa, can thiệp sớm các trường hợp học sinh, sinh viên có biểu hiện rối nhiễu tâm trí trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; hoàn thiện chính sách và chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo phối hợp với các cơ sở y tế có liên quan thực hiện công tác chăm sóc, phục hồi khả năng học tập và học nghề cho học sinh, sinh viên, học viên bị mắc bệnh tâm thần.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí kinh phí để triển khai Đề án theo qui định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện Đề án; tranh thủ vốn viện trợ cho công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin và truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng.

7. Các Bộ, ngành liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai Đề án; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng tại địa phương;

b) Chỉ đạo, triển khai các nội dung, giải pháp của Đề án trên địa bàn tỉnh, thành phố;

c) Bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Đề án.

9. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động các tổ chức thành viên và quần chúng nhân dân tham gia trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 
 
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; -UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; – Văn phòng Trung ương; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng Quốc hội; – UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TKBT, TH, Công báo; – Lưu: Văn thư, KGVX (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Sinh Hùng

 
Tải văn bản đầy đủ tại đây

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

TIN PHỔ BIẾN