Khi trẻ bị xâm hại, những tổn thương về mặt tâm lý mới thật sự là điều đáng quan tâm hơn cả vì tính dai dẳng, chi phối đến hành vi và nhận thức của trẻ trong cả quãng đời về sau.
Đau lòng chuyện nữ sinh bị người hàng xóm “tử tế” xâm hại
Giảng dạy tại một trường THCS ở một vùng nông thôn tại Hải Phòng , cô Hà Kim Y. (giáo viên chủ nhiệm lớp 8) chia sẻ, hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo, cô đã nhiều lần chứng kiến những câu chuyện đau lòng về vấn nạn xâm hại trẻ em.
Trong đó, ám ảnh nhất là câu chuyện của một nữ sinh (năm ấy em học lớp 8 ở Hải Phòng) bị hàng xóm – một người đàn ông 35 tuổi, đã có vợ con, được nhận xét là tử tế xâm hại trong một năm trời.
“Nữ sinh này lớn lên trong một gia đình thuần nông, ngoại hình xinh xắn, nhưng em lại không được khôn ngoan như các bạn đồng trang lứa.
Có lẽ, cuộc sống của em sẽ bình yên nếu như em không bị chính người hàng xóm “thú tính” xâm hại. Những ngày nữ sinh nghỉ học, bố mẹ em đi làm, người đàn ông này lân la sang nhà, dụ dỗ cho tiền rồi “rủ rê” xem phim với hình ảnh tươi mát. Mỗi lần như thế, lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của em, hắn đã giở trò đồi bại, rồi “bịt miệng” em bằng những lời dỗ ngon ngọt, thậm chí là câu đe dọa.
Sự thật chỉ bị phát hiện khi người thân nhận thấy em có dấu hiệu mang thai. Sau một khoảng thời gian dài dò xét, hỏi han, nữ sinh mới đem câu chuyện bản thân bị xâm hại kể với bố mẹ.
Tuy nhiên, câu chuyện nữ sinh bị kẻ xấu giở trò đồi bại chỉ dừng lại ở mức “cả làng bàn tán xôn xao”, rồi sau đó vấn đề này dần chìm xuống mà không hề được phơi bày ra pháp luật. Mãi về sau, tôi mới biết, kẻ dâm ô đã mua chuộc sự im lặng của gia đình nữ sinh này với số tiền 300 triệu đồng”.
Cô Y. kể lại, những ngày sau khi vụ việc “vỡ lở”, nữ sinh này bị ép phá thai và trở lại trường học tập bình thường. Chỉ duy nhất có điều khác lạ là em trở nên trầm tư, ít nói, luôn tìm cách cô lập bản thân dù thầy cô, bạn bè luôn cố gắng động viên, tâm sự. Học hết lớp 9, nữ sinh này nghỉ học, đi làm công nhân.
Những nỗi đau kéo dài…
Theo chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An (Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP.HCM), khi trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục thì dẫn đến rất nhiều hậu quả đau đớn.
Thứ nhất, trẻ sẽ bị tổn thương cơ quan sinh sản, nếu nhẹ là trầy xước bên ngoài, nặng hơn thì trẻ phải chịu nỗi đau khi bị viêm nhiễm, mang thai ngoài ý muốn, thậm chí ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản sau này.
“Tuy nhiên, ngoài những hậu quả kể trên, những tổn thương về mặt tâm lý mới thực sự là điều đáng quan tâm hơn cả vì tính dai dẳng, chi phối đến hành vi và nhận thức của trẻ trong tiến trình phát triển nhân cách”.
PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này.
Theo chuyên gia, nạn nhân của xâm hại tình dục chịu nhiều hậu quả cả về ngắn hạn và lâu dài. Bên cạnh những tổn thương về thực thể, những dấu hiệu của rối loạn stress sau sang chấn có thể xuất hiện sau sự kiện kể từ 2-3 tuần với những ký ức xâm nhập và hành vi né tránh. Nghiên cứu cũng cho thấy nạn nhân của xâm hại thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự tức giận, các em tự đổ lỗi dằn vặt bản thân, mất sự tin tưởng vào người khác; tự thu mình lại trước các mối quan hệ xã hội.
“Chưa hết, nếu xét về lâu dài, các em có nguy cơ phát triển các rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống (cuồng ăn hoặc chán ăn); rối loạn trong đời sống tình dục khi lớn lên (ví dụ không đạt được cực khoái trong quan hệ vợ chồng); lạm dụng chất gây nghiện. Tính trung bình, những em đã từng bị xâm hại có hành vi tự hủy hoại (cắt tay, tự hành xác) nhiều hơn; trung bình mỗi em sẽ có từ 10-13 lần lập kế hoạch tự tử. Đáng sợ hơn là những người đã từng bị lạm dụng có nguy cơ trở thành tội phạm lạm dụng những đứa trẻ khác trong tương lai. Con cái của họ cũng thường có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn những nhóm trẻ khác”, chuyên gia phân tích.
Chia sẻ thêm với Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam từng ám ảnh “kinh hoàng” với câu chuyện một nạn nhân bị chính ông ngoại lạm dụng tình dục lúc nhỏ. Em tiết lộ sự việc nhưng đến mẹ đẻ cũng không tin và đổ tội cho em là nguyên nhân gây ra nỗi nhục nhã trong gia đình. Bị lạm dụng lúc nhỏ đã dẫn đến triệu chứng sợ đàn ông khi em lớn lên, đặc biệt những người đàn ông hấp dẫn về mặt giới tính làm em luôn né tránh sự gần gũi thân mật với những người khác giới. Điều này làm em không thể có một mối quan hệ lãng mạn như những người khác.
Việc bị lạm dụng còn gây ra các triệu chứng stress sau sang chấn ở em. Cứ mỗi lần gần gũi với bạn khác giới, hình ảnh “đôi mắt của ông” lại xuất hiện làm em sợ hãi đến mức có thể ngất xỉu.
Không thể có quan hệ lãng mạn với người khác giới, em đã tìm đến sự an ủi của một người đồng tính. Đáng buồn là do tất cả những sự kiện tiêu cực đã trải qua trong cuộc đời, em luôn tự đánh giá mình là người không có giá trị, không xứng đáng được đối xử trân trọng… em đã tiếp tục bị bắt nạt và lạm dụng trong mối quan hệ đồng tính.
“Những hậu quả lâu dài của việc xâm hại tình dục trong trường hợp này luôn ám ảnh tôi” – PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Im lặng – sự tiếp tay cho tội ác
Nạn xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo cô Hà Kim Y., minh chứng từ những câu chuyện mà cô đã chứng kiến, nhiều phụ huynh khi phát hiện ra con mình bị xâm hại tình dục lại chọn cách im lặng như một biện pháp để bảo vệ con. “Tôi luôn băn khoăn tự hỏi, liệu im lặng, và cứ mãi im lặng có phải là sự lựa chọn tốt?”
Như vậy, một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc gia đình nạn nhân không tố giác là vì sức ép “chuyện nhà, đóng cửa bảo nhau” và sợ “vạch áo cho người xem lưng”.
Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật hạn chế, không hiểu rõ những quy định nào có thể bảo vệ con em mình cũng chính là một trong những rào cản lớn khiến phụ huynh lúng túng, không tố giác khi phát hiện trẻ là nạn nhân của sự xâm hại. Ngoài ra, việc người lớn không dành đủ sự quan tâm hoặc phớt lờ những tín hiệu cầu cứu của trẻ cũng là một lý do quan trọng dẫn đến việc những vụ việc xâm hại trẻ em không được báo cáo một cách chính xác và đầy đủ.
Chuyên viên tâm lý khẳng định, đối diện với việc trẻ bị xâm hại, phụ huynh không thể im lặng và cho qua.
“Nếu thái độ im lặng hoặc thờ ơ của phụ huynh xuất phát từ việc không tin tưởng con, hoặc quan niệm “chuyện này đơn giản, có gì đâu mà làm quá”, trẻ sẽ không cảm thấy được yêu thương, quan tâm, và càng khép lòng lại với gia đình. Với đặc điểm nhận thức chưa đủ trưởng thành, trẻ dễ dàng có những quyết định gây hại đến sức khỏe, cơ thể của mình, gây tổn hại đến chức năng sinh sản sau này.
Và chính sự can thiệp hời hợt từ gia đình có thể khiến trẻ gia tăng nguy cơ để tiếp tục trở thành nạn nhân tiềm năng trong tương lai. Khi hung thủ không bị tố giác sẽ có xu hướng tiếp diễn hành vi của mình, thậm chí là gia tăng về mức độ nguy hiểm”.
Do đó, theo anh Tâm An, đặt trong trường con em mình là nạn nhân của vụ xâm hại, thay vì lặng im và để vụ việc chìm vào bóng tối, gia đình cần đóng vai trò như một chiếc “phao cứu sinh” để nâng đỡ cảm xúc cho trẻ, giúp trẻ phần nào an tâm, giảm bớt tâm lý sợ hãi, hoảng loạn. Khi nhận thấy những tín hiệu bất thường hoặc lời cầu cứu từ trẻ, nếu không nhờ sự can thiệp của pháp luật thì phụ huynh cũng cần chia sẻ kịp thời, lắng nghe, không gạt bỏ và cùng con tìm cách cắt đứt nguồn cơn với hung thủ.
Theo nguồn: https://dantri.com.vn