Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đã có những buổi trao đổi với báo chí về công tác của ngành LĐTBXH trong năm Tân Sửu 2021 và các chính sách, giải pháp mà ngành sẽ triển khai thực hiện trong năm nay.
Năm 2021, năm biến động lịch sử
Phóng viên: Có lẽ chưa khi nào “ghế” Bộ trưởng LĐTBXH lại “nóng” như năm vừa qua. Đại dịch COVID-19 trong 2 lần bùng phát liên tiếp, kéo dài từ trước Tết Tân Sửu (đợt dịch thứ hai, tâm chấn là Hải Dương) rồi tấn công TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, tới giờ vẫn chưa dứt với nhiều hệ lụy, gây áp lực lớn với cả 2 lĩnh vực quản lý chủ chốt của ngành là an sinh và việc làm. Bộ trưởng hẳn là có một năm như ngồi trên lửa?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 2021 thực sự là một năm khó khăn với cả nước ta. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), làn sóng đại dịch COVID-19 từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng trở thành cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm, tình trạng thâm hụt việc làm và bất bình đẳng đã khiến sinh kế của hàng trăm triệu người lao động bị đảo lộn, hầu hết các quốc gia đều phải gánh chịu mức sụt giảm việc làm và thu nhập ở mức “nghiêm trọng, làm gia tăng bất bình đẳng hiện hữu và tạo nguy cơ để lại “vết sẹo” lâu dài đối với người lao động và doanh nghiệp”.

Ngày 10/7/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến thăm, kiểm tra tại Công Ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam, tỉnh Long An
Ở Việt Nam, đợt dịch thứ 4, từ 27/4, kéo dài tới nay, diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động. Nhiều con số thống kê cho thấy mức độ “tàn phá” khốc liệt của đại dịch. Nửa đầu năm 2021, cả nước đã có 12,8 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, tăng 40,6% so với cùng kỳ năm 2020, đến quý III, con số này tăng lên 28,2 triệu người.
Có 4,7 triệu người bị mất việc làm; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động giảm thu nhập. Số người có việc làm giảm gần 2,7 triệu. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98%, cao nhất 10 năm qua. Tại khu vực thành thị là các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, nơi sử dụng nhiều lao động, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, tỷ lệ người thất nghiệp đã lên tới mức kỷ lục của khu vực thành thị là 5,54%.
Qua một năm căng thẳng như vậy, tất nhiên, không chỉ Bộ trưởng – người đứng đầu Bộ mà toàn ngành thật sự vất vả, áp lực rất lớn. Khi cả nước phải áp dụng các biện pháp mạnh để chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, kéo dài, yêu cầu lớn nhất là không để ai bị đói ăn thiếu mặc, đặt gánh nặng với việc đảm bảo an sinh xã hội. Điều đó đòi hỏi toàn ngành phải phản ứng nhanh, cùng lúc hành động để đáp ứng yêu cầu chăm lo đời sống cho hàng triệu người.
Với chức năng chăm lo lĩnh vực an sinh xã hội thiết kế nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống và an toàn cho người dân thì phải bám sát tình hình để kịp thời tham mưu các cấp lãnh đạo về chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh kịp thời, đòi hỏi toàn hệ thống của ngành, từ Trung ương tới cấp cơ sở đều phải lăn xả, bám cơ sở, triển khai thực hiện triệt để, nhanh nhất có thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động.
Những chính sách “thần tốc”
Phóng viên: Năm 2021 là năm mà đất nước đã trải qua nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, đảm bảo an sinh xã hội đã thể hiện được vai trò quan trong khi là một trong ba trụ cột chính để phát triển kinh tế-xã hội. Để có được thành quả đó, xin Bộ trưởng chia sẻ về những chính sách hỗ trợ kịp thời được ra đời “thần tốc” trong năm qua?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Lao động-Thương binh và Xã hội là một ngành mà lĩnh vực hoạt động liên quan đến những vấn đề của toàn dân, phạm vi quản lý của ngành gồm 55 triệu người lao động, hơn 8 triệu người có công, 3 triệu người bảo trợ xã hội, hơn 20 triệu người nghèo… Do đó, việc thực hiện các chính sách liên quan đến những đối tượng này đều thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm xuất hiện và gia tăng các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần được trợ giúp mà hệ thống an sinh xã hội hiện hành chưa bao phủ tới. Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có chính sách chưa có tiền lệ, để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn như Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 116 và Nghị quyết số 126. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch.
Chỉ trong 4 tháng, với điều kiện rất khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, việc triển khai Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, dư luận xã hội, người lao động, chủ sử dụng lao động đồng tình cao. Tất cả các chỉ tiêu đề ra trong hai nghị quyết đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Đến nay, chúng ta đã giải ngân được hơn 76.000 tỷ đồng hỗ trợ và số người được thụ hưởng trên 44 triệu người. Nếu như hằng năm, chúng ta chỉ có thể hỗ trợ đặc biệt, đột xuất cho khoảng 1 triệu người thì trong năm 2021 vừa qua đã hỗ trợ tới hơn 44 triệu người.
Phóng viên: Từ những kết quả đã đạt được, với vai trò tư lệnh ngành, Bộ trưởng còn trăn trở điều gì để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của ngành trong năm 2022?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tôi thấy có ba vấn đề cần chú ý. Một là trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta phải xây dựng được mạng lưới an sinh vừa rộng lớn, vừa bao phủ, vừa bền vững. Mạng lưới an sinh này phải thực hiện được 3 mục tiêu: Phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn được các rủi ro cho người lao động, người dân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở với việc xây dựng hệ thống mạng lưới an sinh xã hội trong năm 2022
Thứ hai là phải xây dựng được môi trường, hay nói cách khác là một thị trường lao động tương đối đồng bộ, lành mạnh và phát triển theo hướng hiện đại để có thể hội nhập vào bối cảnh chung và thế giới.
Tôi cũng rất trăn trở về những vấn đề đã xảy ra trong những ngày cuối năm đang khiến dư luận bức xúc, đó là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, phụ nữ. Đây là những vấn đề mà trong năm 2022 , ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phải rất chú trọng.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, xin bộ trưởng cho biết nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành có “3 chữ An,” trong đó chữ an đầu tiên là an sinh, thứ hai là an dân và thứ 3 là an toàn. “3 chữ An” này sẽ bao trùm đầy đủ nhiệm vụ của ngành trong năm 2022. Nếu chúng ta thực hiện được “3 chữ An” này thì tôi tin rằng việc phục hồi kinh tế xã hội theo chương trình mà Đảng, Nhà nước đặt ra hoàn toàn có thể đạt được.
Muốn thực hiện được “3 chữ An,” ngành phải tập trung vào hai nhiệm vụ có tính chất chiến lược, đó là triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất chương trình phục hồi về mặt xã hội, đăc biệt là phục hồi thị trường lao động và phục hồi đời sống của người dân là nền tảng để thực hiện ba chữ An.
Thứ hai là phải tập trung xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ nhưng hướng tới tất cả mọi đối tượng, với hai trụ cột cơ bản là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nhằm phát triển bao trùm, bền vững và tạo việc làm thỏa đáng cho người lao động.
Tập trung xây dựng thị trường lao động
Phóng viên: Phục hồi thị trường lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được triển khai trong năm 2022, vậy xin Bộ trưởng cho biết những chính sách hỗ trợ phục hồi sẽ được triển khai như thế nào?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trong chương trình phục hồi kinh tế-xã hội thì phục hồi xã hội, nhất là vấn đề an sinh được coi là một trong 5 nội dung quan trọng.
Trong phục hồi an sinh, nhiệm vụ được quan tâm nhất là phục hồi thị trường lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà Tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Thanh Hóa
Để phục hồi thị trường lao động thì phải tập trung thực hiện 5 chính sách hỗ trợ. Thứ nhất là cho người lao động được vay vốn để phát triển sản xuất, với mức vay có thể tới hàng trăm triệu đồng. Thứ hai là triển khai gói 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền mặt cho người lao động, với 2 nhóm đối tượng khác nhau.
Người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm sẽ được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng. Còn đối với người lao động quay lại thị trường thì cũng sẽ hỗ trợ tiền nhà trong 3 tháng nhưng mức cao gấp đôi.
Chính sách hỗ trợ thứ ba được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng một khoản tiền lớn nhất từ trước tới nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê với mức lãi suất rất thấp. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước cũng sẽ trích một khoản để cho công nhân vay lãi suất thấp mua nhà với giá rẻ. Đây là giải pháp đảm bảo sàn an sinh tối thiểu về nhà ở cho công nhân. Nội dung thứ tư là chúng ta sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không có lãi suất để trả lương cho người lao động cho đến hết hết 31/3. Thứ năm là tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động theo gói hỗ trợ trị giá 7.500 tỷ đồng hiện nay đã được cung cấp.
Tôi nghĩ rằng chúng ra xây dựng chính sách để tạo ra nhiều cách khác nhau hỗ trợ khôi phục thị trường lao động.
Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết đâu là giải pháp trọng tâm, đột phá để phục hồi thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2022?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giải pháp đột phá năm nay của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội chính là phải tập trung cao nhất xây dựng thị trường lao động. Muốn thị trường lao động ổn định thì việc đầu tiên là phải đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp. Theo đó phải tập trung hình thành một hệ thống cung-cầu lao động và đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên.
Hiện nay, chúng ta có 70% lao động qua đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có chứng chỉ bằng cấp. Để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển đất nước thì đào tạo nghề chất lượng cao phải là một mũi nhọn. Vì thế, từ năm 2022 trở đi phải tập trung xây dựng nền móng để đào tạo nghề chất lượng cao.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai của ngành trong năm nay chính là phải xây dựng được một hệ thống an sinh hướng tới mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng các chính sách. Chúng ta phải xây dựng được mạng lưới an sinh vừa rộng lớn, vừa bao phủ, vừa bền vững và mạng lưới an sinh này phải thực hiện được 3 mục tiêu: Phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn các rủi ro cho người lao động và người dân.
Theo Dân trí và Vietnamplus