Sáng 19/12, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí” nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền về công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Các đồng chí: Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo thu hút sự tham dự của khoảng 200 đại biểu là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế; một số Trung tâm trợ giúp xã hội đối với người tâm thần; Trung tâm phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, trường học và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Công Dũng, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ, một trong những vấn đề xã hội rất cần được quan tâm hiện nay là vấn đề trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Bởi theo các chuyên gia, số lượng trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí ngày càng tăng mạnh.
Tại Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 1/2019 cho biết, có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số), trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra. Thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng tăng theo từng năm, đang trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm, bởi không chỉ riêng trẻ em mà kể cả những người tự kỷ trưởng thành, cho đến nay vẫn chưa thể hòa nhập cộng đồng do những rào cản hay định kiến xã hội.
Bên cạnh bệnh tự kỷ, bệnh rối nhiễu tâm trí cũng nhiều người mắc phải trong xã hội phát triển ngày nay. Thống kê trên thế giới có từ 15-20% dân số đang mắc một hay nhiều chứng rối nhiễu tâm trí.  Ở Việt Nam, căn bệnh này chiếm tỷ lệ khoảng 10% và có xu hướng ngày càng tăng.
Do vậy, căn bệnh này rất cần được xã hội quan tâm bởi tầm ảnh hưởng rộng cả ở phạm vi cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Trên thực tế, người bị rối nhiễu tâm trí do những biểu hiện bệnh không rõ ràng, nên thường không được phát hiện kịp thời, đặc biệt ở trẻ em, phụ nữ mang thai hay sau sinh, thậm chí chính bản thân người mắc cũng không biết mình mắc, gây khó khăn nhiều cho công tác điều trị, phục hồi.
“Hội chứng tự kỷ và rối nhiễu tâm trí đang là nỗi lo của rất nhiều người trong xã hội hiện đại. Đây sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu không được can thiệp sớm và can thiệp đúng phương pháp. Với mong muốn trợ giúp ngày càng tích cực, hiệu quả cho các đối tượng yếu thế nói chung, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí nói riêng, chúng tôi kỳ vọng Hội thảo sẽ góp phần đắc lực trong công tác trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống trong thời gian tới”- đồng chí Nguyễn Công Dũng nhấn mạnh.
Hội thảo cho biết, trong những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng với mục tiêu trợ giúp xã hội, trợ giúp người yếu thế cũng như trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí được can thiệp và hỗ trợ.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc, trợ giúp phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí còn nhiều khó khăn, hạn chế. Số trẻ được chẩn đoán tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí ngày càng tăng, độ tuổi được chẩn đoán ngày càng nhỏ trong khi việc phát hiện sớm còn nhiều hạn chế; nơi thăm khám và điều trị chỉ có ở các thành phố lớn, còn ở những khu vực vùng sâu, vùng xa khó khăn.
Các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí hiện đang rất thiếu về số lượng, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng; cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí còn thiếu.
Đặc biệt chưa hình thành được mạng lưới cán bộ công tác xã hội nên hiệu quả công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí tại trung tâm, gia đình và cộng đồng còn thấp… Vì vậy, rất cần những giải pháp thiết thực cụ thể để phát hiện sớm, chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cũng như tạo môi trường hoà nhập cho trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Các đại biểu nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người thân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc, giúp đỡ và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng; cũng như triển khai và thực hiện hiệu quả hơn công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với nhóm đối tượng này.
Đề cập đến vai trò của cha mẹ trong can thiệp cho trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ tại gia đình, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan (ĐH KHXH&NV) khẳng định, đối với trẻ em, môi trường sống và phát triển đầu tiên và tốt nhất bao giờ cũng là môi trường gia đình. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với trẻ em khuyết tật nói chung và trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ nói riêng bởi ngoài sự quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ trẻ trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ, anh chị em ruột thịt và người thân còn tham gia trực tiếp vào quá trình can thiệp, chữa trị cho trẻ.
Trong quá trình can thiệp cho trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ, ngay tại gia đình, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, ông bà nội ngoại đóng vai trò quan trọng. PGS.TS Nguyễn Hồi Loan khuyên cha mẹ và người thân của trẻ có thể phát hiện sớm những dấu hiệu, triệu chứng bệnh ở trẻ ngay từ 12, 13 tháng tuổi; đưa trẻ đi thăm khám sớm các nhà chuyên môn; trực tiếp can thiệp cho trẻ thông qua các hoạt động diễn ra trong cuộc sống hàng ngày; củng cố các kết quả can thiệp của các nhà chuyên môn khác, theo dõi quá trình tiến triển và phát triển của trẻ. 
Ths Trần Thị Lan, Phó Trường phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội
Ths Trần Thị Lan, Phó Trường phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin: 100% UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai Kế hoạch trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Đề cập đến Chương trình trợ giúp xã hội đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030, bà Trần Thị Lan cho biết mục tiêu  huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí./.
                                                                                               Hồng Minh

                                                                       Theo nguồn: https://laodongxahoi.net