Khi cha mẹ và con cái mất kết nối
Nhiều trẻ rất muốn được chia sẻ và lắng nghe, nhưng hễ trẻ mở miệng thì ngay lập tức bị cha mẹ phủ đầu hoặc mắng mỏ, điều này khiến cho trẻ chán nản và không còn muốn tâm sự bất cứ điều gì cho cha mẹ nữa.
M. Hương – một học sinh lớp 11 cho biết, đã từ lâu em hầu như không nói chuyện gì với cả bố lẫn mẹ. Bố em – người luôn đặt công việc lên hàng đầu nên thường xuyên về nhà muộn và chẳng mấy quan tâm đến vợ con. Mẹ em – người luôn bao bọc và bảo vệ các con nhưng lại chẳng chịu hiểu các con đang nghĩ gì và cần gì, bởi bà luôn ám ảnh về việc chồng đã từng ngoại tình và thường xuyên chì chiết chồng trước mặt các con. Người mẹ đã gieo rắc vào đầu các con hình ảnh một cuộc sống méo mó và bất hạnh. Không muốn sống bất hạnh như mẹ, anh em M. Hương cố vùng vẫy để thoát ra khỏi ngôi nhà u ám và dần dần mất kết nối với cả cha lẫn mẹ. M. Hương và người anh trai (đang học đại học) mặc dù đã cố gắng nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ thân thiết với bạn bè hay tin tưởng và yêu thương một ai đó.
Khi ở nhà, Phương Oanh – một học sinh lớp 8 không được phép khóc hay buồn bã, vì bố mẹ em luôn giáo dục con rằng, khóc lóc chỉ dành cho người yếu đuối và để thành công trong cuộc sống sau này, con buộc phải luôn mạnh mẽ. Ðiều này ở một khía cạnh nào đó là không sai, nhưng nếu áp dụng một cách máy móc mà không quan tâm đến cảm xúc và khả năng thích ứng của trẻ thì lại là sai lầm của các bậc cha mẹ.
Khóc không có nghĩa là yếu đuối và nó chỉ là biểu hiện của một loại cảm xúc. Vì vậy, phớt lờ cảm xúc của con là một sai lầm của cha mẹ. Nếu thực sự muốn con mạnh mẽ, thì ngay từ khi trẻ còn nhỏ, thay vì cấm trẻ khóc cha mẹ cần rèn cho trẻ tính tự lập, sống có trách nhiệm, biết tự giải quyết vấn đề, kiên trì, vượt khó… Khi không được cha mẹ thấu hiểu cộng thêm việc không thể bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài, dần dần trẻ sẽ thấy cha mẹ không còn gần gũi và đáng tin cậy. Trẻ sẽ dần rời xa cha mẹ để tìm sự đồng cảm và nương tựa trong các mối quan hệ khác. Và nếu mối quan hệ khác kia bị đổ vỡ, trẻ rất dễ rơi vào khủng hoảng và cảm thấy bị tổn thương sâu sắc.
Không khó để nhận ra những trẻ mất kết nối với gia đình. Ðó là khi trẻ không thích hoặc hầu như không nói chuyện với cha mẹ. Trẻ chỉ thích đóng cửa ở trong phòng một mình, không thích tham gia vào các hoạt động chung của cả nhà. Ở trường học, trẻ thường không mạnh dạn, thiếu tự tin và không thích tranh luận hay chia sẻ các quan điểm. Trẻ nhút nhát, hay sợ hãi hoặc ngược lại luôn tỏ ra hung hăng, nóng nảy. Mất kết nối với cha mẹ, trẻ thường sa đà vào các thiết bị điện tử và mạng xã hội, thậm chí là bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội hoặc có những mối quan hệ độc hại.
Làm thế nào để gắn kết với con trẻ?
Sự kết nối giữa cha mẹ và con cái là vô cùng quan trọng. Nếu trẻ không thể kết nối với cha mẹ, chúng sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối với những người khác ở ngoài đời.
Khi không thể giao tiếp với cha mẹ, trẻ phải tự mình đứng ra xử lý những khó khăn và khủng hoảng của bản thân, trẻ cảm thấy vô cùng cô đơn, dễ sinh ra các hành động tiêu cực hoặc cực đoan, gây tổn thương cho chính mình hoặc cho cha mẹ.
Ðể gắn kết với con cái, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con mỗi ngày, hãy lắng nghe con để hiểu trẻ đang nghĩ gì và cần gì. Dù bận rộn đến mấy, bạn hãy cố gắng dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để hỏi chuyện con, chơi cùng con hoặc chỉ đơn giản là cùng con làm một việc gì đó. Nếu không thể ngày ba bữa ăn cơm cùng trẻ thì ít nhất cha mẹ cũng nên dành trọn vẹn một bữa ăn tối cùng con trong không khí gia đình sum vầy, ấm cúng.
Hãy quan tâm tới sở thích của trẻ cũng như bạn bè của con, đó cũng là một trong những cách hay để tăng tính kết nối giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, bởi chúng sinh ra trong điều kiện và hoàn cảnh hoàn toàn khác nên suy nghĩ và hành động cũng sẽ có những khác biệt so với thế hệ cha mẹ ngày trước.
Hãy tôn trọng các quan điểm và đời sống cá nhân của trẻ, nhất là trẻ vị thành niên. Nếu cha mẹ can thiệp thô bạo vào đời sống của con sẽ khiến trẻ cảm thấy bực bội, bị tổn thương, dần dần khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng trở nên lớn hơn.
Hãy cho trẻ có cơ hội được chia sẻ và giúp đỡ bạn. Ðược cha mẹ tin tưởng, trẻ sẽ cảm thấy mình “người lớn” và hữu ích hơn, từ đó, chúng sẽ tin tưởng và giao tiếp với cha mẹ nhiều hơn.