Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh và học sinh không mấy hào hứng với các hoạt động văn nghệ và thể thao tại trường học. Họ sẵn sàng bỏ ra cả triệu bạc, thậm chí vài triệu/ tháng để con học đàn, múa hay vẽ… tại các trung tâm năng khiếu/ nghệ thuật, nhưng lại từ chối cho con tham gia các hoạt động múa, hát tập thể hay các câu lạc bộ thể dục, thể thao do nhà trường phát động.
Vì sao còn có phụ huynh không thích cho con tham gia văn nghệ, thể thao?
Người thì cho rằng các hoạt động văn nghệ, thể thao tại trường học còn thiếu tính chuyên nghiệp, các thầy cô giáo chỉ là những huấn luyện viên nghiệp dư. Người thì chê cơ sở vật chất của trường học quá nghèo nàn (nhà thể thao đa năng quá nhỏ, chỉ có một số bộ môn cơ bản, trường thiếu các dụng cụ tập luyện…) Thậm chí, có người còn lo ngại, việc quá đông học sinh tham gia khiến giáo viên khó quan tâm sát sao, trẻ có thể gặp nguy cơ chấn thương khi tập luyện…
Những điều mà phụ huynh lo ngại kể trên đều có cơ sở, nhất là khi cơ sở vật chất của các nhà trường còn nhiều hạn chế. Mỗi năm học, nếu có xã hội hóa thì hầu hết các trường cũng ưu tiên cải tạo phòng vi tính, thư viện, nhà vệ sinh cho học sinh… trước, rồi sau đó mới tới các hoạt động phục vụ cho văn nghệ và thể thao.
Những ích lợi từ các hoạt động văn nghệ và thể thao tại trường học
Mặc dù còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, kỹ thuật nhưng nếu cho con tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao tại trường học, bạn sẽ cảm nhận được sự cố gắng rất đáng trân trọng của cả thầy cô và học sinh. Không có điều hòa chạy hết tốc lực như ở các trung tâm văn hóa nghệ thuật, các nhà thi đấu thể thao chuyên nghiệp, trong hội trường chỉ nhỉnh hơn một phòng học chút xíu, chỉ có những chiếc quạt trần, cả thầy lẫn trò vẫn miệt mài tập luyện, lúc múa, lúc hát, lúc khiêu vũ thể thao, lúc diễn kịch… để chào mừng những ngày lễ: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày thành lập Ðoàn TNCS HCM, hay nhân ngày thành lập trường… Các hoạt động thể thao thì thường diễn ra trong nhà đa năng. Tuy nhiên, do diện tích có hạn, nhiều bộ môn phải tập luyện ngay trên sân trường, đó là các môn như võ thuật, cầu lông, bóng rổ… Thực ra, việc tập luyện ngay trên sân trường thoáng, mát, gần với thiên nhiên cũng tốt cho sức khỏe của trẻ em. Trừ những ngày thời tiết cực đoan, việc tập luyện của các bộ môn thể thao này buộc phải di chuyển vào trong nhà.
Các bậc phụ huynh cũng đừng đánh giá thấp trình độ của giáo viên phụ trách các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong trường học. Bên cạnh kỹ năng sư phạm thì những giáo viên này cũng thường xuyên được nhà trường cử đi tập huấn để nắm bắt được các xu hướng văn hóa, nghệ thuật mới, nâng cao trình độ trong các bộ môn thể dục, thể thao mà nhà trường đang tập luyện cho các em học sinh.
Khi tham gia vào các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao ở trường học sinh không chỉ có cơ hội được rèn luyện sức khỏe mà còn có thêm cơ hội để giao lưu và kết bạn với các bạn cùng trang lứa, giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp, biết cách phối hợp và làm việc trong một đội/ nhóm, từ đó trẻ trở nên tự tin và sống có trách nhiệm, bản lĩnh hơn.
Hơn nữa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong trường học đều là những hoạt động lành mạnh, giúp trẻ tránh xa được các thiết bị điện tử và mạng xã hội, đồng thời giúp trẻ thư giãn sau những giờ học căng thẳng, từ đó góp phần cải thiện kết quả học tập.
Thông qua các cuộc thi văn nghệ cũng như thể thao, trẻ biết cách đặt ra mục tiêu và nỗ lực để hoàn thành mục tiêu ấy, trẻ học được tính kỷ luật, sự kiên trì và tinh thần vượt khó. Ðây đều là những đức tính tích cực, những kỹ năng sống quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện về cả trí và lực.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, học giỏi không phải là tất cả, các em học sinh cần có sức khỏe và một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, cũng như cần được trang bị và rèn luyện các kỹ năng sống thiết yếu để có thể trở thành những người thành công trong tương lai.