15 – 30% thanh thiếu niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần
Những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh đang gia tăng nhanh chóng như: stress, lo âu, trầm cảm, tự tử, vấn đề “Hysteria tập thể” (rối loạn phân ly tập thể), các rối loạn dạng cơ thể… Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, 15 – 30% thanh thiếu niên Việt Nam mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận một nam sinh N.T.A ở Gia Lâm nhập viện trong tình trạng trầm cảm nặng. Cô ruột của A, người mà em hay chia sẻ cho biết, suốt mấy tháng, A cảm thấy buồn chán, không muốn học, em chỉ muốn chết để kết thúc cuộc đời. A tâm sự, cuộc sống với em không thú vị khi bố mẹ không hiểu, gây áp lực, muốn em chỉ tập trung học tiếng Anh và đạt được điểm IELTS như kỳ vọng. Dần dần, áp lực đó khiến A không còn hứng thú với môn Tiếng Anh mà em yêu thích. A hoang mang, không thích bất cứ điều gì. Ths. BS Ðỗ Thị Dung, Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Bệnh nhân N.T.A được chẩn đoán giai đoạn trầm cảm nặng có ý tưởng tự sát. Em không học, không nói chuyện với bố mẹ, sử dụng điện thoại nhiều, không chịu hoạt động, thường xuyên ở một mình trong phòng, không ra ngoài. May mắn, A đã nhập viện và được điều trị kịp thời”.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục – ÐH Giáo dục (ÐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “trong nhiều năm giảng dạy và trị liệu tâm lý cho trẻ em, tôi đã chứng kiến nhiều thanh thiếu niên bị vấn đề về sức khỏe tinh thần như rối loạn lo âu, trầm cảm… dẫn đến kết cục thương tâm. Kỳ vọng và áp lực lớn từ gia đình và nhà trường về việc học tập phải tốt, hay những khúc mắc trong quan hệ bạn bè, tình trạng bắt nạt học đường, xung đột trong quan hệ với thầy cô, những mâu thuẫn trong gia đình và sự tăng tiếp xúc với Internet là những yếu tố nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe tâm lý xã hội, dẫn đến tình trạng cô lập xã hội ở nhiều học sinh. Các em luôn có cảm giác lo lắng, buồn phiền, lo âu, trầm cảm, tuyệt vọng và trong một số trường hợp dẫn đến hành vi tự tử” – PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Mọi trẻ em đều xứng đáng lớn lên trong môi trường được yêu thương, chăm sóc và đảm bảo an toàn cả về thể chất lẫn sức khoẻ tâm thần.
Phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em
Giải pháp mà các chuyên gia đưa ra chính là cha mẹ đồng hành cùng con. Bên cạnh việc thấu hiểu tâm lý, cha mẹ vẫn cần chăm sóc con có một cơ thể khoẻ mạnh và tinh thần vững vàng. Theo PGS. TS Trần Thành Nam, cha mẹ nên duy trì phong cách sống lành mạnh cho con. Ðó là ngủ đủ, ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên. Nên để con duy trì các mối quan hệ xã hội như nói chuyện với người thân và bạn bè hàng ngày. Khi con gặp căng thẳng, cách dễ nhất là tìm người thân để tâm sự, tìm trợ giúp.
Ðồng thời, phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ. Nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở trẻ và tìm hướng giải quyết. Khuyến khích trẻ nói ra câu chuyện của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. Tránh đặt kỳ vọng quá cao, gây ra áp lực lớn cho trẻ trong học tập. Bên cạnh đó, hãy tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học.
Bản thân trẻ em cần xây dựng thời gian biểu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý; tránh học quá nhiều, dồn nén sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt; rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề; học cách đối thoại, trình bày vấn đề của bản thân với gia đình và nhà trường; tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích.
Các bậc phụ huynh hãy cho trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn yêu thương, ủng hộ, luôn bên cạnh và sẵn sàng giúp con vượt qua những giai đoạn khó khăn. Sau đây là một số cách chăm sóc trẻ giúp bố mẹ và con cái thấu hiểu và yêu thương nhau hơn:
Khuyến khích con giãi bày cảm xúc: Tìm các cách hỏi thăm con về ngày hôm nay thế nào và những việc con đã làm. Có thể rủ con cùng làm công việc nào đó để có thời gian trò chuyện với con. Nhắc con nhớ rằng cha mẹ luôn ở bên con trong bất cứ hoàn cảnh nào, và luôn muốn lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của con. Một vài lời động viên đơn giản có thể giúp con cảm thấy thoải mái khi giãi bày cảm xúc. Công nhận và thấu hiểu những cảm xúc mà con có thể đang trải qua, dù đó là cảm xúc không dễ chịu. Khi con mở lòng với bạn, bạn có thể phản hồi: “Bố/mẹ hiểu”, “Có vẻ đây là một tình huống khó” hoặc “Ðiều đó hoàn toàn hợp lý”. Bạn thường dễ chú ý đến những điều con đang làm mà bạn không thích, nhưng hãy cố gắng để ý và dành lời khen về những việc mà con làm tốt.
Dành thời gian hỗ trợ con: Cha mẹ và con hãy cùng nhau xây dựng các thói quen mới và đặt các mục tiêu có thể đạt được mỗi ngày. Lưu ý, trẻ vị thành niên cần có sự độc lập, vì vậy hãy tạo cho con khoảng thời gian và không gian riêng phù hợp, bởi đó là nhu cầu tất yếu trong quá trình trẻ trưởng thành. Tìm một số phương pháp để bạn giúp đỡ và khuyến khích con nghỉ ngơi (tạm dừng làm bài tập, làm việc nhà hoặc thực hiện các hoạt động khác) để làm những việc con thích. Nếu con cảm thấy bực bội, hãy cùng con nghĩ ra một số giải pháp cho các vấn đề con đang gặp phải. Cố gắng không áp đặt và bắt con phải làm theo ý mình.
Cùng con giải quyết mâu thuẫn: Hãy lắng nghe quan điểm của con và cố gắng giải quyết mâu thuẫn một cách bình tĩnh. Không thảo luận về một vấn đề khi bạn đang nóng giận. Thành thật và minh bạch với con, có thể cho con biết rằng bạn cũng đang phải cảm thấy căng thẳng. Việc cho con thấy bạn cũng đang trải qua những cảm xúc tiêu cực có thể giúp con hiểu cảm xúc của con là hoàn toàn bình thường.