Trang chủKiến thức kỹ năngTrang bị kỹ năng giúp trẻ tránh bị bắt cóc

Trang bị kỹ năng giúp trẻ tránh bị bắt cóc

Nạn bắt cóc trẻ em gia tăng và trở thành vấn nạn vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ. Để hạn chế và phòng tránh nguy cơ bị bắt cóc, cha mẹ cần trang bị các kỹ năng sống cho con để trẻ biết cách tự bảo vệ mình và ứng phó phù hợp khi gặp phải người xấu.

Mới đây, vụ việc bé trai 7 tuổi tại Long Biên (Hà Nội) đang đi xe đạp trong khu đô thị thì đột nhiên bị đối tượng lạ mặt bắt cóc để tống tiền 15 tỉ đồng gây xôn xao dư luận. Dù thủ phạm là Nguyễn Đức Trung đã bị bắt và Công an Thành phố Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can để làm rõ hành vi bắt cóc trẻ em nhằm tống tiền, nhưng các bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi thanh thiếu niên vẫn không khỏi bàng hoàng, bất an.

Vụ việc này kịp chưa lắng xuống thì lại xảy ra một vụ trẻ em bị người lạ chở đi khiến dân tình càng thêm lo lắng. Theo đó, khoảng 20 giờ ngày 19/8, cháu T.T.A. (sinh năm 2016), trú tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) khi đang chơi trước nhà gần Quốc lộ 1 thì bị một người đàn ông không rõ danh tính đi xe máy kéo lên xe và chở đi. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, trong quá trình tìm kiếm, người nhà phát hiện người đàn ông lạ mặt đang điều khiển xe máy đưa cháu đi trên tuyến Quốc lộ 9 lên hướng Cam Lộ. Đến địa phận thôn Nam Hiếu, xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) thì bị một số người dân và người nhà giữ lại. Ngay sau đó, gia đình đã trình báo lực lượng chức năng.

Hai vụ việc bắt cóc trẻ em xảy ra liên tiếp đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bắt cóc trẻ em. Theo chuyên gia tội phạm học, đối tượng xấu có ý định bắt cóc thường hành động khi trẻ đi một mình. Đồng thời, nguy cơ mất an toàn của trẻ em có thể xảy ra bất kỳ nơi nào, bất kỳ nơi đâu. Để hạn chế và phòng tránh nguy cơ bị bắt cóc, cha mẹ hãy dạy trẻ kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc từ sớm để trẻ biết cách tự bảo vệ mình và ứng phó phù hợp khi gặp phải người xấu.

Nhận diện những tình huống có nguy cơ bị bắt cóc

Kẻ bắt cóc thường đóng giả người quen, họ hàng; đóng giả nhân viên giao hàng, thợ điện/nước; lợi dụng nơi đông người, lúc cha mẹ không chú ý; khi trẻ ở một mình; khi trẻ bị lạc; theo dõi nhà riêng của nạn nhân trước trực tiếp hành động;… là những tình huống trẻ có nguy cơ bị bắt cóc mà cha mẹ phải lưu ý và nhắc con ghi nhớ.

Trẻ tuyệt đối không được nhận quà của người lạ. Ảnh minh họa
Trẻ tuyệt đối không được nhận quà của người lạ. Ảnh minh họa

Không bắt chuyện hay đi theo người lạ

Hãy dạy trẻ kỹ năng giao tiếp với người lạ như không được phép bắt chuyện hay tự ý tin tưởng, đi theo người lạ. Nếu trẻ đã từ chối mà người lạ vẫn cố tình tiếp cận và đeo bám, trẻ cần tìm cách chạy trốn, hét lớn để thu hút sự chú ý cũng như cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Nếu bị đuổi theo bằng ô tô, trẻ có thể chạy ngược lại hướng xe đang bám đuổi.

Tuyệt đối không nhận quà từ người lạ

Cha mẹ hãy dạy trẻ không được nhận bất cứ món quà gì từ những người không quen biết như: thức ăn, thức uống, quà cáp ở bất cứ nơi đâu. Nếu người lạ có mục đích bắt cóc, có thể những món quà đó đã được tẩm thuốc mê nhằm làm trẻ mất ý thức để dễ thực hiện hành vi của mình.

Không mở cửa cho người lạ

Khi để trẻ ở nhà một mình, cha mẹ cần chú ý khóa kỹ cửa nhà, cổng ra vào, cửa sổ. Bạn có thể giao chìa khóa cho con để trẻ thoát thân khi gặp nguy hiểm bất ngờ. Nhưng hãy dặn con tuyệt đối không được tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ. Nếu người lạ lấy lý do công việc cần vào nhà để lấy giúp đồ cho cha mẹ, trẻ nên gọi điện cho cha mẹ để thông báo và xác nhận thay vì trực tiếp mở cửa để họ vào nhà.

Kỹ năng xử trí khi bị lạc

Bị lạc cũng là một cơ hội để kẻ xấu lợi dụng để theo dõi, tiếp cận và bắt cóc nên trẻ cần bình tĩnh và chú ý quan sát, tìm đúng người nhờ giúp đỡ. Con có thể tìm kiếm sự giúp đỡ bởi những người mặc đồng phục như bác bảo vệ, chú công an, bác quản lý khu vực gần nhất, nhân viên bán hàng trong siêu thị… khi chẳng may bị lạc.

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội

Việc công khai những thông tin cá nhân, địa chỉ nhà, hình ảnh cá nhân lên mạng có thể đem lại mối nguy hại tiềm ẩn cho trẻ. Bởi chỉ với những thông tin này, kẻ xấu rất dễ dàng theo dõi, tiếp cận con với mục đích xấu. Thay vì để các thông tin ở chế độ công khai, trẻ có thể để chúng ở chế độ riêng tư cũng như chỉ nên kết bạn, nói chuyện với người mà con thật sự quen ngoài đời. Trẻ cần tránh kết bạn hay đồng ý lời hẹn gặp mặt của những người bạn ảo.

Gây sự chú ý, tìm giúp đỡ nếu bị người lạ lôi kéo. Ảnh minh họa
Gây sự chú ý, tìm giúp đỡ nếu bị người lạ lôi kéo. Ảnh minh họa

Học kỹ năng tự vệ

Ngoài việc hô hoán, la hét thật to khi bị kẻ xấu bắt đi, cha mẹ cũng có thể trang bị cho con khả năng chống cự mạnh mẽ bằng cách tham gia lớp học võ tự vệ cơ bản. Học võ không chỉ giúp con mạnh mẽ, nhanh nhẹn hơn mà còn bảo vệ con trước các đối tượng xấu.

Ghi nhớ các số điện thoại khẩn cấp, địa chỉ nhà

Kỹ năng ghi nhớ số điện thoại của cha mẹ hay địa chỉ nhà là vô cùng cần thiết trong trường hợp con đi lạc hoặc bị người xấu bắt cóc. Con có thể nhờ bảo vệ, công an, … gọi điện về cho cha mẹ đến đón sau khi được mọi người giúp đỡ.

Đi đến nơi – về đến chốn

Tỷ lệ trẻ bị bắt cóc trên đường đi học về diễn ra khá phổ biến vậy nên thay vì để con tự đi về tốt nhất cha mẹ hãy đến đón trẻ. Trong trường hợp trẻ đã lớn và có khả năng tự đi bộ về nhà, hãy dặn con đi đến nơi về đến chốn, tránh la cà dọc đường.

Luôn xin phép

Ở nhà, hàng ngày bố/mẹ hãy tạo cho con thói quen phải xin phép bố mẹ trước khi ra khỏi nhà và khi đến nhà một ai đó, tuyệt đối không tự tiện đi mà chưa thông báo với bố mẹ. Về phần mình, con cái cũng cần chủ động báo cho cha mẹ nơi mình sẽ đến, sẽ đến đó bằng cách nào, ai sẽ đi cùng và khi nào con sẽ về nhà. Các gia đình cần lập nguyên tắc luôn xin phép với con trẻ và bắt buộc phải tuân theo.

Kỹ năng ứng phó khi bị bắt cóc
Dù ở trong tình huống khi bị kẻ xấu bắt cóc nào, trẻ cũng có thể và nên cố gắng ứng phó bằng một số kỹ năng sau:
– Cố gắng hô hoán, kêu khóc thật to thật mạnh để thu hút sự chú ý của người đi đường.
– Vứt lại đồ đạc dọc đường làm dấu hiệu nhận biết để bố mẹ và cảnh sát lần theo.
– Nếu bị đánh, hãy ngưng chống trả và trả lời mọi câu hỏi của kẻ bắt cóc để tránh bị chúng đánh đập, hành hạ.
– Cố gắng quan sát và ghi nhớ tướng mạo, biển xe, màu áo, đặc điểm cơ thể,… của kẻ bắt cóc để có thể trình báo công an sau khi con được cứu.
– Khi có cơ hội hãy bỏ chạy và tìm người lớn giúp đỡ thật nhanh.
Anh Khánh
Theo nguồn: https://vitreem.baodansinh.vn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

TIN PHỔ BIẾN