Trang chủKiến thức kỹ năngLàm gì khi trẻ em rối loạn cảm xúc?

Làm gì khi trẻ em rối loạn cảm xúc?

Trong cuộc sống hiện đại, trẻ em gặp nhiều áp lực học hành, bố mẹ quá bận rộn, gia đình ly tán… nên tâm lý trẻ dễ bị căng thẳng, dẫn đến rối loạn cảm xúc. Sự quan tâm của gia đình và hỗ trợ điều trị từ bác sĩ trong giai đoạn sớm sẽ kiểm soát những xu hướng bất thường ở trẻ, tuy nhiên cần phải kiên trì và dành tình yêu thương nhiều hơn cho con.

Sự quan tâm và tình yêu thương của gia đình có thể giúp trẻ hạn chế gặp phải chứng rối loạn tâm lý.

Sự quan tâm và tình yêu thương của gia đình có thể giúp trẻ hạn chế gặp phải chứng rối loạn tâm lý.

Phát hiện chính xác nguyên nhân gây rối loạn cảm xúc

Rối loạn cảm xúc ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ. Bệnh lý này thường được chia thành các dạng chính bao gồm lo âu, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, tâm thần phân liệt và trầm cảm. Bệnh làm phá vỡ tư duy, tâm trạng, khiến trẻ có xu hướng ngày càng xa lánh mọi người, thậm chí có suy nghĩ tự gây hại cho bản thân.

Rối loạn cảm xúc ở trẻ em thường gặp các dạng sau: Rối loạn trầm cảm chính; rối loạn trầm cảm dai dẳng; rối loạn lưỡng cực; rối loạn xáo trộn cảm xúc; rối loạn tiền kinh nguyệt; rối loạn cảm xúc do tình trạng sức khỏe; rối loạn cảm xúc do chất gây nghiện…

Rối loạn cảm xúc ở trẻ em có thể liên quan đến những mối quan hệ trong gia đình kém hòa hợp, trẻ bị bắt nạt cô lập hoặc cũng có thể liên quan đến những khiếm khuyết bẩm sinh ở ống thần kinh.

Theo Phân tâm học (phương pháp điều trị y tế dành cho những người mắc các bệnh tâm lý), các vấn đề tâm lý xuất phát từ chính gia đình là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến bé mắc chứng rối loạn cảm xúc. Phát hiện chính xác nguyên nhân gây bệnh là yếu tố hàng đầu để có thể điều trị và hạn chế nguy cơ bệnh tái phát.

Theo nhiều nghiên cứu, rối loạn cảm xúc ở trẻ em có thể liên quan đến 3 tác nhân chính. Nguyên nhân môi trường sống có thể do những biến cố tâm lý trong gia đình, cha mẹ thường xuyên cãi nhau, đánh nhau, bận rộn làm việc, trẻ thiếu tình yêu thương từ cha mẹ, cô độc hoặc bị cô lập, bắt nạt tại trường học. Nguyên nhân di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy trong gia đình nếu có cha hay mẹ mắc các vấn đề về tâm lý trước đó thì đời con cũng có thể gặp ảnh hưởng như chứng rối loạn cảm xúc. Yếu tố sinh học: Khiếm khuyết bẩm sinh ở ống thần kinh trong giai đoạn thai kỳ nhưng không được phát hiện sớm hoặc dẫn truyền thần kinh không bình thường. Khi gặp một trong những yếu tố trên trẻ thường có xu hướng dễ mắc bệnh.

Tùy vào từng dạng bệnh, thời gian bệnh và giai đoạn bệnh mà mức độ nguy hiểm của từng dạng khác nhau. Tuy nhiên, càng điều trị sớm càng hạn chế được mức độ nguy hiểm bệnh gây ra cho tinh thần và sự phát triển của trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhận biết những dấu hiệu rối loạn cảm xúc ở trẻ em

Cảm xúc vui buồn thất thường, u uất chán nản, thờ ơ với mọi vấn đề có thể là một trong những triệu chứng của rối loạn cảm xúc ở trẻ em. Tùy vào từng dạng bệnh khác nhau mà mức độ ảnh hưởng tới nhận thức, sức khỏe, kỹ năng xã hội cũng khác nhau, nhưng nói chung chất lượng cuộc sống của trẻ đều bị giảm sút.

Các dấu hiệu bệnh đặc trưng bao gồm: Rất khó tập trung, trẻ thường lơ đãng khi làm một việc gì đó do không tìm được sự quan tâm hứng thú; trẻ có xu hướng dễ kích động, dễ cáu gắt, dễ gây hấn, phản ứng mạnh hơn bình thường nhất là khi không đạt được một chuyện gì như ý; trạng thái buồn phiền u uất, ảm đạm thường chiếm phần lớn tâm trạng thường ngày; tâm trạng thay đổi thất thường, hay gặp ở dạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Theo đó, trẻ có xu hướng dễ bị kích động, tâm trạng vui vẻ dâng cao liên tục nhưng xen kẽ với tình trạng buồn chán u uất; học tập khó khăn do bé không thể tập trung, không tìm được hứng thú trong học hành nên ít khi đạt được thành tích cao; không hài lòng với bất cứ điều gì; ương ngạnh, khó bảo, lì lợm; chóng mặt, buồn nôn, bồn chồn, vã mồ hôi lạnh; cảm thấy không có mối liên kết với gia đình, khó khăn trong kết bạn; ngủ ít hoặc dễ mất ngủ khiến tâm trạng luôn trong trạng thái lờ đờ mơ màng; thường kêu ca về tình trạng sức khỏe như đau đầu và mệt mỏi, choáng váng; kém tự tin vào bản thân; bỏ nhà ra đi hoặc thường xuyên dọa bỏ nhà đi; có suy nghĩ lệch lạc, hành vi kỳ lạ bao gồm có xu hướng tự làm hại bản thân, thậm chí là tự tử.

Trẻ mắc rối loạn cảm xúc trước hết sẽ làm những hành động tổn hại cho chính sức khỏe của bản thân (tự gây thương tích, cắt rạch cơ thể); có những hành động phá phách, hung hãn gây ảnh hưởng tới những người xung quanh; khó thích nghi với xã hội, cô lập chính mình; hay gây gổ với các bạn trong lớp và những người xung quanh; dễ cáu gắt, tức giận, không làm chủ được cảm xúc và hành vi của bản thân.

Hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em mắc bệnh rối loạn cảm xúc. Ðể giảm thiểu tình trạng này cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội.

Cha mẹ nên làm gì?

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ chứng rối loạn cảm xúc, bố mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để thực hiện các bài kiểm tra tâm lý và xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn cảm xúc ở trẻ.

Trong điều trị các vấn đề về tâm lý, gia đình luôn đóng vai trò quan trọng kéo dài suốt thời gian chữa trị cũng như về lâu dài để ngăn ngừa nguy cơ tái phát. Ðặc biệt với những tác nhân gây bệnh ở trẻ nhỏ có liên quan đến ám ảnh quá khứ về gia đình thì càng cần phải giải quyết, gỡ bỏ được khúc mắc này trong tâm trí trẻ, từ đó tâm bệnh mới có thể được giải quyết.

Cha mẹ hãy thể hiện tình yêu thương chân thành, nói chuyện với con nhiều hơn, đọc truyện cho con nghe trước khi ngủ để khơi gợi những ý nghĩ phát triển bình thường của trẻ. Tôn trọng những sở thích phù hợp lành mạnh của con, nếu được hãy cùng chơi với con. Quan sát trẻ nhiều hơn để đề phòng những hành vi bất thường, tuy  nhiên cần thực sự khéo léo để không làm con cảm thấy đang bị kiểm soát gò bó. Kích thích trí tò mò tập trung của con bằng cách cho bé thử những trải nghiệm mới thú vị. Luyện cho bé tính tập trung và kiên nhẫn. Không tạo áp lực hay làm trẻ cảm thấy cô đơn. Cùng bé tập thể dục và có lối sống lành mạnh hơn. Bổ sung đầy đủ các dinh dưỡng cần thiết để giúp bé khỏe mạnh hơn. Khuyến khích con tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Quan trọng vẫn là tình yêu thương của gia đình sẽ làm cảm hóa và điều trị những vết thương lòng của trẻ tốt nhất.

Hiện tại cũng có một số trường học đặc biệt dành cho trẻ em gặp các vấn đề về tâm lý. Nếu tình trạng của bé khá nặng, phụ huynh có thể tham khảo đưa đến học tập tại đó để được các bác sĩ, giáo viên có kinh nghiệm chuyên môn có hướng chăm sóc phù hợp.

Việt Cường
Theo nguồn: https://vitreem.baodansinh.vn

 

 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

TIN PHỔ BIẾN